Lịch sử phát triển trường THPT số 2 Bát Xát
GIỚI THIỆU ĐÔI NÉT VỀ TRƯỜNG THPT SỐ 2 BÁT XÁT
Trường THPT số 2 huyện Bát Xát được thành lập từ năm
2005 đóng trên địa bàn Thôn 2 xã Bản Vược, Bát Xát, Lào Cai, nằm ngay trên vành
đai biên giới giữa Việt Nam với Trung Quốc. Học sinh của trường thuộc địa bàn các
xã khó khăn phía tây huyện Bát Xát (Y Tý, A Lù, Ngải Thầu, A Mú Sung, Nậm Chạc,
Trịnh Tường, Cốc Mỳ, Mường Vi, Bản Vược, Bản Xèo, Pa Cheo...). Nhà trường tuyển
sinh khóa 1 vào năm học 2006 - 2007 với 5 lớp 10 với 235 học sinh được biên chế
14 cán bộ giáo viên; các năm học tiếp theo nhà trường phát triển quy mô số lượng
và duy trì tuyển sinh 5 lớp 10 với trên 200 học sinh/khóa. Năm học 2024 - 2025,
quy mô học sinh toàn trường 713 học sinh với 18 lớp.
Từ năm học 2006 - 2007 đến hết học kỳ 1 năm học 2009
– 2010, trường học nhờ trường THCS Bản Vược địa điểm cũ (khu bãi hóa trường
cửa khẩu Bản Vược ngày nay). Từ tháng 1 năm 2010 trường chuyển sang địa điểm mới
hiện nay.
Hiện nay, đội ngũ cán bộ, giáo viên nhà trường có 40
người, 10% có trình độ thạc sĩ, 20% đạt giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, 25% đạt
giáo viên dạy giỏi cấp trường, phần lớn có tuổi đời và tuổi nghề trẻ, nhiệt
tình, yêu nghề. Hàng tuần, các thầy cô thường xuyên đi đến nhà học sinh thăm hỏi,
vận động học sinh đi học chuyên cần, không bỏ học; hướng dẫn các em ăn ở gọn
gàng, sạch sẽ; nhiều thầy cô đã chủ động liên hệ, kêu gọi xin hỗ trợ học sinh về
chăn ấm, chiếu, quần áo ấm, giầy dép, sách, đồ dùng học tập.
Trường đã và đang được tỉnh quan tâm đầu tư cơ sở vật
chất và trang thiết bị dạy học hiện đại. Hiện tại trường đang có khu nhà điều
hành 3 tầng với 11 phòng, khu phòng học thường 4 tầng với 18 phòng học có đủ
phương tiện dạy học hiện đại theo tiêu chuẩn xây dựng phòng học trường chuẩn quốc
gia. Khu nhà công vụ giáo viên, khu ở bán trú cho 450 học sinh với nhà ăn, nhà
vệ sinh, nước sinh hoạt đầy đủ, tiện nghi. Trường có 5 phòng học chức năng gồm
2 phòng học Tin học, 1 phòng thực hành Vật lý công nghệ, 1
phòng thực hành hóa và 1 phòng thực hành sinh. Trường có 1 Nhà đa năng với sức chứa gần 1000 học sinh để thực hiện giáo dục nhóm lớn
học sinh.
Khuôn viên của trường được bố trí hài hòa trong diện
tích 2,1 ha; ngoài các khối phòng học được xây dựng kiên cố, tiện nghi, sân trường
với ghế đá hàng cây làm bạn học sinh mỗi ngày đến trường, còn có vườn thực hành
lâm nghiệp, vườn thực hành nông nghiệp, khu luyện tập thể thao (gồm 1 sân bóng
đá mi ni, 3 sân bóng chuyền, xà đơn); khu lao động tăng gia sản xuất cho học
sinh bán trú.
Học sinh của trường chủ yếu là con em của các xã vùng
cao, sinh sống tại địa bàn khó khăn nhất của huyện nghèo Bát Xát. Học sinh của
trường hầu hết là người dân tộc thiểu số (Giáy, Dao, Hà Nhì, Mông), tỷ lệ học
sinh dân tộc thiểu số chiếm gần 90% học sinh toàn trường; nhiều học sinh có hoàn cảnh
rất khó khăn, là gia đình hộ nghèo, mồ côi cha mẹ; đường xá đi lại khó khăn, xa
xôi, học sinh ở xa nhất cách trường 85km, nhiều em là đại diện của cả thôn đi học
THPT. Tuy nhiên, nhiều học sinh đã nỗ lực cố gắng học tập trở thành những tấm
gương tiêu biểu như: Chảo Thị Yến cựu học sinh khóa 2, từng học đại học Lâm
nghiệp Hà Nội và nhận được học bổng toàn phẩn của Đại học Gottingen (Đức) trị
giá 1,2 tỷ đồng.
Nhà trường đang có 450 học sinh ở bán trú tại trường,
tất cả học sinh ở các xã xa xôi không thể đi về trong ngày đều được ưu tiên sắp
xếp chỗ ăn ở trong khu bán trú của trường. Nhằm giúp học sinh tiếp cận, cập nhật
thông tin thời sự xã hội, trường lắp hệ thống cung cấp wifi miễn phí cho học
sinh tra cứu, học tập; hệ thống camera an ninh giám sát cùng với 1 nhân viên bảo
vệ 24/24 và 2 thầy cô giáo quản lý, học sinh ở bán trú được đảm bảo an ninh an
toàn tuyệt đối.
Chất lượng giáo dục của nhà trường ngày càng nâng lên,
tỷ lệ học sinh đạt học lực khá giỏi, tỷ lệ chuyển lớp đạt cao; tỷ lệ học sinh tốt
nghiệp THPT trong 5 năm gần đây đều đạt từ 98% trở lên. Tỷ lệ học sinh sau khi
tốt nghiệp đi học nghề và học chuyên nghiệp ngay trong năm đầu tiên bình quân đạt
khoảng 75%. Trong 5 năm gần đây, học sinh của trường đều đạt giải trong các cuộc
thi cấp tỉnh như thi học sinh giỏi, thi nghiên cứu khoa học. Giáo dục ngoài giờ
lên lớp, giáo dục kỹ năng sống, giáo dục đạo đức cho học sinh được nhà trường
ngày càng quan tâm chú ý nhiều hơn nhằm trang bị cho học sinh kiến thức, kỹ
năng để thích nghi tốt nhất với mọi môi trường xã hội giúp tồn tại và phát triển
năng lực cá nhân.
Với sứ mạng đào tạo con em người dân tộc thiểu số vùng
cao huyện Bát Xát có trình độ THPT tạo tiền đề đào tạo nguồn nhân lực cho phát
triển kinh tế xã hội của địa phương, Trường THPT số 2 Bát Xát đang từng bước khẳng
định sứ mạng và tầm nhìn; là nơi nuôi dưỡng ước mơ, chắp cánh cho các em trưởng
thành, góp phần thực hiện giữ gìn bình an cho đất nước, giữ biên giới quốc gia trường
tồn cùng dân tộc.
HT