Tin tức mới nhất
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Phát huy vai trò cầu nối giữa nhà trường với gia đình
Lượt xem: 463

Phát huy vai trò cầu nối giữa nhà trường với gia đình

              Là một tổ chức tự nguyện, nhưng hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh, hay trước kia gọi là Hội Phụ huynh học sinh, đã mang lại lợi ích thiết thực, trong việc kết nối giáo dục giữa nhà trường và gia đình trong việc chăm lo giáo dục học sinh, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng GD&ĐT.

Có thể nói, từ khi Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT, ngày 22/11/2011 về Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh, đã tạo hành lang pháp lý cho tổ chức này hoạt động ngày một hiệu quả hơn.

Nhiều Ban đại diện hội cha mẹ học sinh không chỉ đại diện tiếng nói, bảo đảm quyền lợi cho học sinh, phụ huynh, là “cầu nối” để thống nhất các hoạt động giữa nhà trường và gia đình, mà còn huy động nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và chăm lo tốt đời sống cho đội ngũ giáo viên, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng GD&ĐT.

Ngoài ra, nhiều nơi đã thực hiện tốt việc phối hợp với nhà trường tổ chức các hoạt động giáo dục đạo đức cho học sinh; bồi dưỡng, khuyến khích học sinh giỏi; giúp đỡ học sinh yếu, kém, vận động học sinh đã bỏ học trở lại tiếp tục đi học; giúp đỡ học sinh nghèo, học sinh khuyết tật, học sinh có hoàn cảnh khó khăn; đồng thời phối hợp tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chủ trương, chính sách của Nhà nước về giáo dục đối với cha mẹ học sinh nhằm nâng cao trách nhiệm của gia đình về chăm sóc, bảo vệ, giáo dục học sinh...

Tuy nhiên cũng phải thừa nhận một thực tế là, nội dung hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh không ít nơi nổi lên nhiều bất cập; các phương pháp và hình thức hoạt động còn mang tính tự phát, hoặc theo kinh nghiệm của bản thân và cách làm của các khóa trước.

Mối quan hệ giữa Ban đại diện cha mẹ học sinh của nhiều trường, thường mới chỉ dừng ở việc tham dự vào các hoạt động bề nổi với vai trò như một “cái bóng” vào các hoạt động tổng kết, kỷ niệm các ngày lễ lớn và bàn một số hoạt động chung nhất của nhà trường mà chưa phát huy được vai trò, tiếng nói của mình trong nhiều hoạt động quan trọng khác.

Một trong những vấn đề nổi cộm nhất nữa là, việc vận động thu tiền của các phụ huynh để tham gia giải quyết những “việc tế nhị” của nhà trường, mà lâu nay dư luận đã nhiều lần lên tiếng song nó vẫn cứ lập đi, lập lại hàng năm.

Đặc biệt, là việc các khoản thu chi vào đầu năm học, được chính các cha mẹ phụ huynh học sinh phản ánh đó là hầu như Ban đại diện cha mẹ học sinh thường bị động theo đề xuất của nhà trường mà ít có sự trao đổi, bàn bạc... hay nếu có cũng chỉ mang tính hình thức để hợp thức hóa.

Nhìn ở một vài góc độ nhất định, đúng là hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh ở nhiều nơi vẫn chưa phát huy được hết ý nghĩa thực chất của nó.

Và dường như nó chưa thực sự được các cấp quản lý và giáo viên đầu tư đúng nghĩa. Trong khi thực tế đã khẳng định và cho thấy, công tác giáo dục luôn đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình, mà Ban đại diện cha mẹ học sinh là chiếc cầu nối ...

Thực tế đó đòi hỏi Ban đại diện cha mẹ học sinh phải đổi mới nội dung hoạt động phù hợp với thực tiễn sao cho phát huy được vai trò, trách nhiệm của mỗi thành viên trong hoạt động của các nhà trường, bảo đảm tính chủ động, độc lập thực sự trở thành tiếng nói của Ban đại diện cha mẹ học sinh trong các hoạt động giáo dục, nhằm cùng nhà trường nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Để làm được điều đó công việc rất cần được làm ngay lúc này là: Bên cạnh việc mỗi nhà trường cần có sự tư vấn ủng hộ sáng kiến cho Ban đại diện cha mẹ học sinh biết đặt ra và gợi ý những công việc thiết thực, để thống nhất các hoạt động giữa nhà trường và gia đình, thì chính những thành viên của Ban đại diện cha mẹ học sinh phải là có cái tâm và lòng nhiệt tình thật sự, sẵn sàng lắng nghe những phản hồi, đóng góp của phụ huynh.

Đồng thời, mỗi thành viên Ban đại diện cha mẹ học sinh phải công tâm, xác định và hiểu rõ chức năng, vai trò của Ban đại diện cha mẹ học sinh theo quy định hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, để đưa ra những định hướng đúng đắn, những phương thức hoạt động phù hợp, mạnh dạn đổi mới, tránh chạy theo lối mòn cũ, để Ban đại diện cha mẹ học sinh thực sự là “cầu nối” hỗ trợ đắc lực cùng nhà trường nâng cao chất lượng học tập của chính con em mình và góp phần thúc đẩy vào sự nghiệp phát triển giáo dục nói chung.

Minh Tư

Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image